Cuối tháng 3, chuyến thăm Đà Lạt đã lên kế hoạch từ lâu của Hoàn Thục, nhân viên marketing ở Sài Gòn bị hủy vì Covid-19 . Muốn động viên bản thân và tranh thủ thời gian công ty cho nghỉ để tránh dịch, cô gái trẻ quyết tâm trang trí lại phòng ngủ 2 x 3 m2 của mình như một homestay "để nghĩ mình đang đi du lịch".
Căn phòng nhỏ được Hoàn Thục trang trí lại như một homestay Đà Lạt. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Thục bắt đầu bằng việc dọn bớt đồ, chỉ giữ lại những món cần thiết và mua thêm hộc vải để xếp gọn gàng hơn. "Một buổi chiều là xong khâu này", cô chia sẻ.
Công đoạn "tốn thời gian" nhất là chờ nội thất mới bao gồm kệ, bàn, máy xông hơi, rèm, máy chiếu và cây xanh. Do đặt mua trên mạng, nên cô gái trẻ mất nửa tháng mới nhận đủ đồ. Nhằm tiết kiệm thời gian, cô lên sẵn ý tưởng về sơ đồ nội thất, sau đó cứ nhận món nào là xếp ngay món đó vào vị trí.
Thục còn đầu tư một chiếc máy chiếu mini để biến căn phòng trở thành rạp phim thu nhỏ. Để đỡ mất công, cô dùng thanh treo không khoan tường và vải để làm màn chiếu, lúc cần thì thả xuống còn khi không dùng có thể quấn lại cho gọn.
Với chi phí khoảng 6,5 triệu đồng, Thục có căn phòng đem lại cảm giác "như trên Đà Lạt". Không gian mới cũng giúp cô có động lực làm việc nhà mỗi ngày và sống ngăn nắp hơn, thay vì thói quen "hai tháng mới dọn một lần" như trước.
Ở Hà Nội, Đinh Phương Hoa, làm kinh doanh tự do, cũng tranh thủ đợt dịch để biến căn phòng trọ cũ kỹ, ngổn ngang đồ đạc thành nơi ở "trong mơ".
Nơi ở của Phương Hoa trước và sau hai tuần cải tạo. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Căn phòng rộng 20 m2 của Hoa gồm chỗ ngủ, khu bếp và nhà vệ phiên dịch sinh. Khi cô mới đến xem, phòng bừa bộn đầy rác vì từng là chỗ ở của sáu người. Tuy nhiên, do vị trí và giá cả hợp lý, Hoa đồng ý thuê và lên kế hoạch cải tạo.
Đầu tiên, Hoa bắt tay vào dọn dẹp. Vì rác nhiều và kích cỡ lớn, cô thuyết phục sáu người thuê trước hỗ trợ. Mất hai ngày, căn phòng mới sạch sẽ trở lại.
Dọn rác xong, Hoa và bạn bè sơn lại tường. Cô chọn màu kem để tạo cảm giác phòng sáng sủa, rộng rãi hơn.
Về nội thất, học theo các kiểu trang trí ở Nhật và Trung Quốc, Hoa chủ yếu chọn đồ đóng bằng pallet gỗ, vừa dễ vận chuyển, lắp ráp vừa tạo cảm giác nhẹ nhàng cho căn phòng. Cô tự lên sơ đồ bài trí, đo đạc kích thước và liên hệ với xưởng của người thân nhờ đóng các miếng pallet, cuối cùng đem về tự ghép. Sau hai tuần, căn phòng "lột xác" với tổng chi phí là 10 triệu đồng.
Anh Minh Phan ở bang Utah (Mỹ) cũng tranh thủ những ngày "cách biệt cộng đồng" để sửa sang phòng ngủ cho hai con trai, một bé bốn tuổi và một bé hai tuổi. Trước đó, căn nhà anh mới chuyển tới ngày 13/3 chưa có đồ đạc.
Muốn tiết kiệm chi phí, anh Minh tự làm mọi thứ. "Chưa có kinh nghiệm nên tôi phải tra cứu trên mạng từ những thứ nhỏ nhất như cách vệ sinh tường khi sơn, cách sơn, sau đó đi mua dụng cụ", anh chia sẻ. Nội thất cũng phải đặt mua rồi tự lắp chứ không giống ở Việt Nam, sắm xong có người ráp cho.
Như sở thích của bé lớn, căn phòng rộng 15 m2 được trang trí theo tông xanh, có giường tầng và tủ sách. Đặc biệt, anh Minh tốn hai ngày hai đêm để hoàn thành các bức tranh trên tường.
Anh Minh tự tay sửa sang phòng ngủ và phòng chơi của con. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
"Có thể vài người lớn sẽ thấy xấu nhưng đây là 100% ý tưởng của con trai lớn, tôi chỉ giúp con thực hiện thôi", ông bố chia sẻ. "Màu sơn tối cũng giúp giảm bớt năng lượng để các con dễ đi vào giấc ngủ. Tôi muốn tập cho các con biết rằng mỗi phòng có một công dụng, vào đây là chỉ đọc sách và ngủ chứ không chơi nữa.
Anh Minh cho biết thêm từ lúc có phòng ngủ mới, hai bé trai không đòi ngủ chung với bố vì sợ ma nữa mà tự giác về phòng của mình.
Hoàn thiện xong phòng ngủ của hai con, anh Minh còn làm cả phòng chơi cho các bé. Chi phí bao gồm cả nội thất của hai căn phòng khoảng 1.000 USD.
Minh Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét